Thứ Ba, 27 tháng 10, 2009

Philip Roth bi quan về tương lai của tiểu thuyết



Tiểu thuyết gia Philip Roth tiên đoán, trong vòng 25 năm nữa, sự ủng hộ của độc giả dành cho sách tiểu thuyết sẽ rơi vào cảnh "chợ chiều/Corbis
Trả lời phỏng vấn nhà báo Tina Brown, chủ bút tờ The Daily Beast, nhà văn này phân trần: "Thật sự tôi đã giữ tinh thần lạc quan với tiểu thuyết trong khoảng 25 năm rồi. Tôi nghĩ rằng luôn luôn sẽ có người đọc chúng nhưng sẽ chỉ là một nhóm ít người".
Tuy vậy, hiện tại ông khẳng định, sách vở không thể đương đầu và cạnh tranh nổi với màn ảnh và sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
"Ấn bản in là một vấn đề lớn, chính bản thân cuốn sách đã là một vấn đề. Để đọc một cuốn sách đòi hỏi phải có sự tập trung nhất định, sự chú ý và đắm mình trong việc đọc. Nếu bạn đọc một cuốn tiểu thuyết trong hơn 2 tuần liền thì thật sự bạn chẳng đọc gì cho ra hồn cả. Do đó, có thể nói sự tập trung, chú ý, sự chăm chú, sự lưu tâm vào việc đọc trong bối cảnh hôm nay là rất khó để đạt được - thật rất khó để tìm thấy một số lượng đông đảo người, một nhóm người và một số người đạt được những phẩm chất đó", ông nói.
Theo Guardian, tiểu thuyết gia này cũng nghi ngờ sự phát triển của những
thiết bị đọc sách, chẳng hạn như Kindle, cũng sẽ không tạo nên sự khác biệt nào. "Cuốn sách không thể nào đấu lại với màn hình máy tính. Nó không thể nào đấu lại với màn ảnh rộng. Sách không thể đấu lại với màn ảnh nhỏ. Hiện nay, chúng ta có đủ thứ các loại màn ảnh, và khả năng chống chọi của sách với các loại màn ảnh là rất khó khăn".
Cuốn tiểu thuyết mới của Roth là The Humbling, phát hành vào cuối tuần này, và đã sớm nhận được một bài phê bình đầy chỉ trích trên tờ Observer. Báo này gọi tác phẩm của tiểu thuyết gia là "câu khách hết sức rẻ tiền".
Còn Phillip Roth thì khẳng định, cũng giống như nhân vật Simon Axler, một diễn viên sân khấu già, người cuối cùng "đánh mất sự kỳ diệu của bản thân" trong cuốn The Humbling, nhà văn luôn lo lắng về việc sẽ cạn nguồn ý tưởng viết lách. "Luôn luôn mỗi khi tôi hoàn thành một tác phẩm, tôi đều nghĩ "Mình sẽ làm gì đây? Mình sẽ tìm cảm hứng viết lách ở đâu đây?. Tôi cứ viết và xuất bản bởi vì tôi không thể chịu đựng nổi cảm giác không có tác phẩm để hoàn thành... Đó không phải là cảm giác được nói hay không nói điều gì trong cuốn sách, hoặc là cuốn sách sẽ nói lên điều gì, mà chính là tôi muốn cảm giác được đắm mình trong tiến trình viết lách khi tôi còn đang sống".
Phillip Roth không chỉ bi quan về tương lai của tiểu thuyết mà trước đây, vào năm 2001, trong cuộc trò chuyện với tờ Observer, ông bày tỏ sự quan ngại về văn hóa Mỹ: "Tôi không giỏi trong việc tìm kiếm những đặc trưng đầy tính "khích lệ" trong văn hóa Mỹ. Tôi nghi ngờ việc thị hiếu thẩm mỹ có nhiều tương lai phát triển ở xứ sở này"Thoại Hà.- theo evan

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2009

"Thế giới của loài người chỉ còn là một chuỗi suy vong"




Xin được đăng lại bài viết này (tựa do NVN đặt) của tác giả Bảo Thạch đăng trên trang RFI ngày 28/11/2008, nhân sinh nhật thứ 100 của nhà nhân học, triết gia Claude Lévi-Strauss. Và xin hé lộ một tin vui với độc giả tiếng Việt: cuốn Nhiệt đới buồn của nàh tư tưởng này sẽ được NXB Tri thức cho ra mắt trong tuần tới.


Là một nhà triết học chọn một lối đi không có sẵn, một thành viên của Viện Hàn Lâm Pháp, Claude Lévi-Strauss đã từng tuyên bố : chưa bao giờ ông muốn thay đổi thế giới này về mặt chính trị.
Khi ta nhìn sát vào cuộc đời và cuộc chiến đấu của Claude Levi -Strauss, nhan đề cuốn sách của Gabriel Garcia Marquez đột ngột hiện lên trong đầu ta : "Trăm năm cô đơn". Một cuộc đời thế kỷ đã đi hết cái thời của mình. Đi ngược lại mọi thứ mốt, dường như cuối cùng ông đã không yêu cái thế kỷ này. Thế kỷ thuộc về ông là thế kỷ 19 và 18. Những tác giả quan trọng của ông là Jean Jacques Rousseau, François-René de Chateaubriand.

Ông đã giữ lại từ các bậc thầy tư tưởng này sự nhạy cảm vô cùng lớn đối với mọi sinh linh, mọi vật thể, đối với thế giới tự nhiên, và các phong cảnh của thế giới nội tâm. Để rồi sau đó, ông cũng sẽ tiến hành mô tả cái hiện thực sống sượng, nhưng là với một phong cách thơ. Nhân vật Đông-ki-sốt trong dân tộc học này xuất thân từ một dòng họ Do Thái vùng Alsace.

Cha ông là họa sĩ, ông nội là rabbin – một chức sắc trong đạo Do thái. Levi-Strauss kể rằng, ông đã chứng kiến được ngay từ sớm phong trào bài Do thái trong giờ chơi tại trường học, và cũng đã sớm phát hiện ra một cách đột ngột rằng mình đã bị cả một cộng đồng, mà bản thân ông trước đó vẫn tin mình là một thành viên khăng khít, chống lại.

Thực tế này đã dẫn chàng thanh niên đến chỗ giữ một khoảng cách với hiện thực đương thời. Phải chăng chính cái khốc liệt của thực tế vốn đã dẫn ông đến với các thổ dân châu Mỹ ở vùng Amazone ấy, đã mang lại cho ông nguồn cảm hứng về sứ mệnh để khiến ông trở thành một nhà nhân học quan trọng nhất của thế kỷ XX?

Không có thể nói được gì chính xác về điều này. Là một nhà triết học chọn một lối đi không có sẵn, một thành viên của Viện Hàn Lâm Pháp, Claude Levi-Strauss đã từng tuyên bố : chưa bao giờ ông muốn thay đổi thế giới này về mặt chính trị. Nếu tôi viết, ông nói, và tôi chụp các bức ảnh này, chính là để bảo tồn lại những ký ức về cái thế giới đang biến đổi trước mắt chúng ta, một di sản mênh mông thấm đẫm hương vị của tha nhân.

Quy tắc cấm loạn luân

Trong các tác phẩm lớn của Levi-Strauss, có quyển Các cấu trúc cơ bản của quan hệ thân tộc (Structures élémentaires de la parenté) hay các quyển mang tên Nhân học cơ cấu 1 và 2 (Anthropologie structurale) trong đó, ông nêu bật những hình thức bất biến ví dụ như quy tắc cấm loạn luân.

Claude Levi-Strauss coi việc cấm loạn luân như là nền móng của sự phân chia giữa thiên nhiên và văn hóa. Thiên nhiên tuân theo các qui luật mà không chấp nhận bất cứ ngoại lệ nào. Các hành tinh trong vũ trụ đi theo các lộ trình tuân thủ các qui luật do nhà vật lý thiên văn Kepler phát hiện ra, ngược lại, văn hóa cấu thành nên một thế giới với các qui tắc có thể điều chỉnh được : ví dụ mầu trắng là cái tượng trưng cho việc tang ở Nhật Bản, trong khi ở phương Tây, lại được tượng trưng bởi mầu đen. Tuy vậy, trong tất cả các xã hội, đều tồn tại một quy luật chung, đó là việc cấm loạn luân. Chúng ta có thể luôn luôn tìm thấy các qui tắc cấm một số quan hệ liên minh hôn nhân trùng với một số các quan hệ mà chúng ta gọi là các quan hệ máu mủ.


Việc cấm loạn luân như vậy đối lập với sự quần hôn của thế giới động vật. Việc cấm lọan luân này là chung đối với tất cả các xã hội, nhưng nó lại biến thiên tùy theo từng nhóm khác nhau : ở châu Âu theo Thiên chúa giáo, việc cấm loạn luân này chủ yếu liên quan đến những thế hệ tiền bối và các hậu duệ trực tiếp, và các thành viên của một tộc họ, trong các xã hội khác, nó liên quan đến tất cả các thành viên của một gia đình rất rộng, trong một xã hội khác nữa, việc nghiêm cấm loạn luân lại đi kèm với một nghĩa vụ hôn nhân với một hôn hay hôn phụ thuộc vào một nhóm khác của dòng họ.


Như vậy, một cậu con trai phải cưới một cô gái, ra đời từ cuộc hôn nhân của người anh em với cha mình – gọi là "người em họ song song" – trong khi cuộc hôn nhân với một người con gái xuất thân từ cuộc hôn nhân của chị em của cha mình – một "người em họ giao chéo" - lại bị cấm. Hôn nhân, vả lại, theo Levi-Strauss, không phải là để đáp ứng các nhu cầu của đời sống tình dục, mà là các nhu cầu kinh tế : "Chính là nhờ sự phân chia lao động giữa hai giới mà việc hôn nhân trở nên có thể thực hiện được" (trích trong tiểu luận « Gia đình », trong Cái nhìn cách biệt, Nxb Plon, 1983).

Đối với Levi-Strauss việc cấm kỵ lọan luân này là một trong ba hình thức trao đổi cấu thành nên xã hội : trao đổi các phụ nữ, trao đổi các biểu trưng, và trao đổi các tài sản.

Những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, học thuyết cấu trúc và can quan niệm của Claude Levi-Strauss ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, nghệ thuật, văn học, chính trị và triết lý.
Ngay tại Việt Nam, học thuyết này của Claude Lévi-Strauss đã hấp dẫn nhiều học giả. Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, trong tập sách tôn vinh Nguyễn Từ Chi, một nhà văn hoá xuất sắc của Hà Nội, đã kể lại rằng : Có lần đã lâu, khi học thuyết cấu trúc Levi-Strauss còn mới lạ với giới khoa học Việt Nam, không nề hà, ông Từ Chi đã trình bày liền 4 buổi cho một số nhà nghiên cứu của Viện Dân Tộc học Hà Nội và các viện bạn. Kết quả gây nên rắc rối với ông ông Từ Chi.


Tác phẩm "Miền Nhiệt đới Buồn"

Đây là kể một câu chuyện đã xưa. Nhưng với bạn đọc, khi cầm các tác phẩm của Levi-Strauss trong tay, chắc chắn sẽ phát hiện được nhiều điều mới lạ. Đối với quảng đại đọc giả ở Pháp thì thân thuộc nhất trong các tác phẩm của Claude Levi-Strauss là tập ký sự mang tên : Tristes Tropiques - Miền Nhiệt đới Buồn - xuất bản năm 1955.

Xin tiết lộ với những ai muốn đọc Levi-Strauss, sự ngạc nhiên thú vị của bản thân tôi, và niềm say mê với tác phẩm này khi khám phá dưới ngòi bút của ông tính vượt trội của Phật giáo, so với Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, bởi vì theo Levi-Strauss, trong đạo Phật không có thiên đàng hay điạ ngục.

Ông viết, trang 489, như sau : ''Con người đã 3 lần nổ lực xây dựng 3 tôn giáo lớn để tự giải phóng khỏi nổi ám ảnh của hình bóng những kẻ đã lià đời, của cái xấu, cái ác hiện về từ cỏi âm, và để thoát lên trên nổi sợ hãi ma thuật.

Con người đã thiết kế theo trình tự thời gian, Phật giáo, rồi Thiên Chúa giáo và cuối cùng là Hồi giáo. Mỗi tôn giáo này nẩy sinh cách nhau khoảng 500 năm. Thật vô cùng ngoạn mục, quan sát thấy mỗi chặng đường tiếp nối này, thay vì đánh dấu một bước tiến so với chặng đường trước, lại bộc lộ một sự thụt lùi !

Đối với Phật giáo, không có Thiên Đàng, không có sự sống sau cái chết. Bởi vậy Phật giáo thể hiện sự phê phán triệt để nhất và loài người sau này, đã không thể đi xa hơn. Trong Phật giáo, nhà Hiền triết tìm thấy sự giải thoát trong việc chối từ ý nghiã của vạn vật và của con người. Hành vi này đã xóa bỏ vũ trụ và cũng xóa bỏ luôn cương vị tôn giáo của mình.

Đến sau Phật giáo, Thiên Chúa giáo đã sa vào nỗi sợ, Thiên Chúa giáo tái lập thế giới bên kia cuộc sống, với những niềm hy vọng, những mối đe dọa và ngày phán xét cuối cùng.

Đạo Hồi, sau Thiên Chúa giáo đã nối tiếp chặng đường này và hoà nhập cõi đời với đạo giáo. Trật tự xã hội được tân trang với sức mê hoặc của điều siêu nhiên, chính trị trở thành thần học.''

"Thế giới của loài người chỉ còn là một chuỗi suy vong"

Sau cả một chương dài tôn vinh Phật giáo như trên, Claude Levi-Strauss kết luận : Con người chỉ sáng lập được điều kỳ vĩ ở thuở ban đầu. Ngày nay, thế giới của loài người chỉ còn là một chuỗi suy vong được dự báo : ông thốt rằng : '' thế giới này đã khởi đầu khi chưa có bóng dáng con người và thế giới này cũng sẽ tàn lụi khi không còn con người".


Dường như đối với ông, khoáng vật, thảo vật và động vật hiện hữu một cách ngang bằng với con người. Đối với những ai còn đa nghi ông nói : "Hãy chiêm ngưỡng một thạch thể đẹp hơn mọi công trình sáng tạo. Hãy chiêm nghiệm mùi hương thơm toát lên từ một đoá huệ, tinh tế hơn tất cả những quyển sách chúng ta từng thảo ra. Hãy tìm đến cái nháy mắt đồng cảm, nhưng không chủ tâm, với một chú mèo, đậm tính nhẫn nại, thanh thản và bao dung''.

Tristes Tropiques, Miền Nhiệt đới Buồn chấm dứt với lời an ủi kể trên.

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

JMG Le Clézio: Không thể ngăn được sự lai tạp




Nét mặt cứng cỏi, hấp dẫn kiểu nam tính, ông giống một bức tượng trên đảo Phục Sinh mặc áo vest xanh da trời, đi giày thể thao trắng. Với bản tính điềm tĩnh kiểu quý tộc thế hệ mới, nhà văn nói về cuốn tiểu thuyết mới, những chuyến đi xa, số phận của châu Âu nói chung và của tiểu thuyết nói riêng.
- Ông vừa trở về từ Hàn Quốc. Người ta đã biết đến sở thích của ông đối với Tân thế giới hay Ấn Độ Dương, chứ chưa biết nhiều đến sở thích đối với Cực Đông…
- Tôi đến Hàn Quốc thường xuyên đã được bảy năm nay. Lần đầu tiên là để dự một hội thảo văn chương với nhà văn người Nhật Kenzaburo Oe. Tôi rất gắn bó với đất nước này. Năm ngoái, tôi còn dạy một kỳ về thơ và họa tại Đại học Seoul, giáo cụ là một chiếc đĩa CD về bảo tàng Louvre. Đó là một trường nữ sinh và các sinh viên của tôi nói tiếng Pháp thành thạo, họ lại rất quan tâm đến vị trí của người phụ nữ trong hội họa phương Tây: họ thuyết trình về bức La Joconde, về bức chân dung Marie-Antoinette qua nét vẽ của Phu nhân Vigée-Lebrun. Việc dạy học trở nên thật thú vị khi chính người thầy lại học được điều gì đó từ các học trò của mình.
- Vốn được mệnh danh là thi sĩ của sa mạc, ông không thấy là Hàn Quốc quá phương Tây, quá đông đúc, quá Cơ Đốc đối với mình sao?
- Thế giới đang phương Tây hóa mà. Nhưng như Sok-Yong Hwang, tác giả cuốn Khách mời, đã nói: Ai nói với các vị Chúa Jesus không phải là người Hàn Quốc nào? Seoul cũng không náo nhiệt hơn những thành phố mười triệu dân khác trên thế giới này.
- Giữa Hàn Quốc, New Mexico hay Pháp, từ nay ông sẽ sống ở đâu? Nghe nói ông có ý định chuyển về sống ở Bretagne?
- Tôi không có kế hoạch nào cho trung hạn, còn dài hạn thì chúng ta chết cả rồi. Tôi vẫn đang sống tại Mỹ. New Mexico là một nơi thuận lợi cho việc sáng tác, nó vẫn là nơi dừng chân thường xuyên của tôi. Tôi tới đó để chạy trốn sự hoảng loạn của thế giới hiện đại. Trước nhà tôi có một mảnh đất hoang, và không xa đó là Rio Grande, một vùng hoang vu, ngay ở đất nước đô thị hóa và gây ô nhiễm nhất hành tinh. Còn Bretagne ư? Quả là tôi đã nghĩ đến chuyện dọn về đó. Ở đó tôi có một ngôi nhà, những mối quan hệ họ hàng và tôi cảm thấy gần gũi với lối sống của Bretagne.
- Ông thấy nước Pháp của năm 2008 thế nào, theo những gì cảm nhận được qua chuyến lưu lại Pháp vừa rồi?
- Rất phương Tây! Gạt chuyện đùa cợt sang một bên, tôi hơi ngạc nhiên bởi chủ nghĩa bi quan xung quanh. Tại Hàn Quốc, đất nước có mức sống kém hơn nhiều, người dân cũng không bi quan đến thế, họ biết cuộc sống không dễ dàng gì và họ đã quen với phải vật lộn tranh đấu rồi.
- Ông từng tuyên bố mình đã "qua cái tuổi trả thù", nhưng "Khúc lặp của cơn đói" (Ritournelle de la faim), tiểu thuyết mới đây của ông lại hết sức dữ dội, không hề nguôi ngoai, lên án mạnh mẽ tội lỗi của xã hội Pháp đối với người Do Thái và các dân tộc thuộc địa.
- Tôi không phải tuýp người hay ngọt nhạt. Như nhà sinh vật học Jean Rostand đã nói: "chân lý tất yếu có vị báo thù". Ngày còn nhỏ, tôi đã sống qua những đòn trả đũa sau cùng của cơn địa chấn mang tên Đại chiến II. Tôi nhớ về cái câu mang tính phân biệt chủng tộc hay bài Do Thái từng nghe trong họ hàng tôi gần cũng như xa: "chiến tranh đã diễn ra, mà họ không hề hay biết gì". Khi còn là trẻ con, người ta không hiểu điều đó nghĩa là thế nào, nhưng người ta vẫn bị sốc, theo bản năng.
- Giữa bức tranh ấy, nhân vật Ethel, lấy cảm hứng từ mẹ ông, là một "người kháng chiến", ngay cả khi cô ấy không mang vũ khí.
- Đúng thế, những kỷ niệm duy nhất tôi có được về kháng chiến, đó là quân du kích vùng Nice sâu trong nội địa nơi chúng tôi sinh sống. Tôi còn nhớ hồi mới bốn, năm tuổi gì đó đã chơi cùng một anh con trai mười sáu hay mười bảy tuổi. Tôi còn nhớ rõ tiếng bom đã nổ trong tay anh ấy. Chúng tôi chỉ tìm lại được bộ tóc màu đỏ của anh. Anh ấy tên là Mario. Và còn có cả hình thức kháng chiến thụ động và bí mật hơn khi mẹ tôi chống lại thái độ hèn nhát, thời trước, trong và sau chiến tranh. Thậm chí tôi đã đưa vào cuốn tiểu thuyết này những cảnh chính mắt tôi từng chứng kiến, những điều nghe kể lại từ bà và mẹ, trong thế giới không có đàn ông đó, những cái gợi nhớ đến Quỷ thân xác của Radiguet. Tôi đã khám phá thế giới chính qua đôi mắt của những người phụ nữ này.
- Theo tình tiết truyện, mẹ ông đã dự vào việc sáng tác nhạc khúc Boléro của Ravel, và trong căn phòng đó còn có cả nhà nhân chủng học vĩ đại Claude Lévi-Strauss?
- Đúng thế, chính ông ấy đã cho tôi biết chuyện, vào cái thời khi tôi năng gặp ông ấy hơn bây giờ. Cách đây hai năm, ông ấy vẫn còn gửi cho tôi một lời nhắn rất dễ mến để chỉnh sửa một lỗi sai trong cuốn Raga của tôi...
- Theo ông, mối quan hệ giữa phương Tây và Thế giới thứ ba nằm ở đâu?
- Tôi không tin vào một cuộc đối đầu. Tôi ghét Huntington và thuyết xung đột giữa các nền văn minh của ông ta. Thậm chí tôi đã viết một bài đả kích có tên Chống Samuel Huntington, mà tôi chưa công bố.
- Tại sao?
- Bởi vì đó là một bài đả kích. Tôi không cho rằng có tồn tại "chúng ta" và "những kẻ khác", thế giới phương Tây một bên và bên kia là một dạng thế giới dã man, luôn rình đợi những điểm yếu nhỏ nhất của chúng ta. Thực ra, mọi nền văn hóa toàn bộ đều lai tạp, pha trộn, kể cả nền văn hóa phương Tây, vốn hình thành nên từ nhiều yếu tố đến từ châu Phi, châu Á. Ta không thể ngăn sự lai tạp này được. Và tính hiện đại cũng thuộc về Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không khác gì thuộc về Âu hay Mỹ.
- Ông vẫn rất gắn bó với đảo Maurice. Liệu cuốn sách tiếp theo ông có dành tặng cho hòn đảo này?
- Xã hội Maurice nơi tôi sinh ra không có bất kỳ giá trị nào, đó là một xã hội bóc lột, phân biệt chủng tộc và phân tầng, hơi giống với xã hội được miêu tả trong các tác phẩm của Faulkner, nhưng nó cũng sản sinh ra những cá nhân xuất chúng, tuyệt vời. Trong trường hợp này cũng vậy, cuốn sách này sẽ là một dạng thanh toán nợ nần.
- Ông đã nhiều lần làm giám khảo của các giải thưởng văn học, nhất là giải Renaudot. Trong số các tác giả cùng thời, ông thích những ai?
- Tôi rất thích Marie Darrieussecq, tôi cảm thấy giữa hai chúng tôi có nhiều sự tương đồng. Tôi đánh giá cao cách bà ấy viết về thế giới, như thể đó là một ngoại diên của chính bà, được nhận thức bằng những tế bào thần kinh chứ không phải bằng trí tuệ. Tôi cũng thích nền văn học của những nước nói tiếng Pháp, ngoài nước Pháp ra. Alain Mabanckou là một người xuất chúng, Wilfried N’Sondé, nhà văn người Angola, tác giả của Trái tim của những đứa trẻ báo (Le cœur des enfants léopards), cũng vậy. Ở những con người đó có cùng lúc một bản thể mạnh mẽ và trải nghiệm của những kẻ bị gạt ra ngoài lề, vì đó chính là hoàn cảnh họ gặp phải tại châu Âu. Điều đáng chú ý ở đây, là những cây viết này đều đang hoạt động xã hội tích cực: N’Sondé là giáo viên tư vấn những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Berlin.
- Năm vừa qua, ông đã ký vào bản tuyên ngôn cho một nền văn học-thế giới" [
1]?
- Đúng, ký hai lần thì đúng hơn! Cơ may của tiếng Pháp, đó là những dân tộc đã bị Pháp đô hộ trong hàng thế kỷ lại không mang hiềm thù gì với đất nước này. Tôi cho rằng thái độ này xuất phát từ vẻ đẹp của văn học Pháp, từ những cuốn sách hay mà nước Pháp đã sản sinh, thông qua đó con người có thể vượt qua nỗi đau và chấp nhận tiếng Pháp, hơn là tiếng Anh, như phương tiện giao tiếp. Chính nhờ nền "văn học-thế giới" này mà tiếng Pháp vẫn còn có thể chuyển tải thông điệp của mình.
-
Ông còn dành thiện cảm của mình cho ai trong số các tác giả ra sách mùa vừa rồi?
- Tôi rất thích cuốn Chợ tình (Le marché des amants) của Christine Angot. Tôi cảm động bởi cuộc gặp gỡ thương tâm, đau xót giữa một người phụ nữ xuất thân dòng dõi quý tộc với một anh chàng vô sản, bởi sự đối chiếu giữa hai thế giới bất khả quy này.
- Ngày nay tiểu thuyết không phải nạn nhân của thành công của nó sao: khi bất kỳ cuốn sách nào cũng được gọi là "tiểu thuyết"?
- Đó là câu hỏi đã được Raymond Queneau đặt ra: văn học sẽ trở thành cái gì khi mọi người ai cũng viết văn? Giống như toàn bộ sự biểu lộ của nhân loại, tiểu thuyết chỉ có một thời. Ở xuất phát điểm, nó không phải là là cái gì đó được xác định rõ mà chỉ là một câu chuyện được viết ra bằng ngôn ngữ đời thường. Cái tôi đánh giá cao ở tiểu thuyết, đó là nó cho phép nói về bản thân mà như không nói, cho phép phát biểu những ý tưởng triết lý mà không cần phải là triết gia. Đó là một dạng túi du lịch, rất tiện dụng. Thành công của thể loại tiểu thuyết trong vòng một trăm năm trở lại đây là từ đó mà ra. Đó là một dạng rút gọn để nhận biết tình trạng của thế giới, hoặc có lẽ là cả tình trạng của bản thân.
- Nhưng ngày nay, mấy ai còn đọc "Le Grand Cyre" hay "L’Astrée", những bản sách được đông đảo công chúng biết đến trong thế kỷ XVII? Đến thế kỷ XIX, tiểu thuyết đã đẻ ra thể loại tâm lý, hiện tại nó lại thoát khỏi thể loại này.
- Tôi không chắc về độ bền của văn học theo cách nói chung. Đó là một vấn đề gần như sinh học, vấn đề của nhịp điệu tự nhiên mà xã hội loài người phải tuân theo - có lẽ đó chính là sinh thái học chăng. Người ta không thể ngăn cản sự pha trộn giữa người với người, giữa những thể loại, giữa những nền văn hóa. Nếu số phận của tiểu thuyết là phải biến mất, thì ngay cả Viện Hàn lâm Pháp cũng không thể ngăn cản sự tiêu vong này.


(Nguồn: l’Express) / theo bảo linh/ evan.com.vn

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009

Tình thế 'buộc phải diễn giải' của nhà văn
Salman Rushdie
Tôi quan niệm, độc giả chính là người cuối cùng hoàn thiện cuốn sách. Và điều thú vị của văn chương, là nó tạo ra từng cách hiểu khác nhau với từng người đọc. Tôi nghĩ nhà văn không nên hướng dẫn độc giả đọc cuốn sách của mình thế nào.
Chúng ta đang sống trong thời đại diễn giải và vì thế, mỗi ngày, chúng ta lại hiểu nhau ít đi. Cứ hễ mở một trang báo hay bật một kênh truyền hình là bạn lại bị dồn dập những lời diễn giải, có khả năng chôn vùi bạn trong sự lê thê dài dòng, chỉ để hướng dẫn cách suy nghĩ về những điều bạn đã biết tỏng từ lâu. Cách nhà khoa học khẳng định, họ có thể lý giải 7 hiện tượng lạ trong một phút, còn tôn giáo tuyên bố giải thích được mọi điều. "Những kẻ hướng dẫn thực tại", nói như Saul Bellow, đầy rẫy xung quanh chúng ta và hướng dẫn thực tại bỗng dưng trở thành một ngành công nghiệp rất đỗi thu lợi trong thời đại này.
Giá sách ngày nay tràn ngập những đầu sách phi hư cấu, bởi chúng ta đã đánh mất niềm tin vào giấc mơ của mình và cho rằng, chỉ có sách người thật việc thật mới nói thực về thế giới. Tuy nhiên, sách văn học với những câu chữ ngớ ngẩn vẫn còn là thể loại giữ vị trí thống lĩnh. Trong cuộc sống, chúng ta chi hàng đống tiền, để được ngồi trong một căn phòng với những người khôn ngoan hơn, nghe họ tư vấn về điểm yếu, sự rối trí hay những nỗi đau khổ của ta. Vậy mà ta không thèm chi đồng nào để thuê một ai đó giúp ta hiểu những niềm vui trong cuộc sống. Điều này có thể giải thích một cách đơn giản: hạnh phúc thì không cần giải thích, chỉ khi đau khổ chúng ta mới cần một mục sư biết lắng nghe.
Nhà văn Salman Rushdie - tác giả bài viết.
Trong bối cảnh đó, đối với văn học nghệ thuật, liệu chúng ta có nên nghe theo lời khuyên của V.S. Naipaul, người đã phát biểu tại Liên hoan văn học Hay-on-Wye mới đây rằng: văn chương không phải dành cho người trẻ và vì thế nên đóng cửa mọi khoa văn học tại các trường đại học ngay lập tức?
Mối quan hệ giữa nghệ thuật và những người diễn giải nó là mối quan hệ rất khăng khít. Người ta cho rằng, những nhà văn vĩ đại cần có những nhà phê bình vĩ đại. Chẳng hạn, William Faulkner và Malcolm Cowley là một cặp bài trùng. Hay liệu chủ nghĩa siêu thực sẽ ra sao nếu thiếu Andre Breton? Nhưng đôi lúc, tôi băn khoăn, nếu nhà văn chúng tôi nói thật, thì sau "cái chết của nhà văn", người làm vua sẽ là các nhà phê bình hay hương hồn chúng tôi vẫn phải ngoan cố vật vờ bảo vệ "lãnh thổ" tác phẩm của mình trước những sự hiểu bóp méo, xuyên tạc?
Và từ đó, rắc rối bắt đầu nảy sinh khi nhà văn phải tự giải thích chính mình. Khi tôi xuất bản một cuốn sách, tôi muốn hoàn toàn tránh mặt đi. Bởi, ở đúng vào thời điểm cuốn sách ra mắt, trách nhiệm của nhà văn đối với nó đã hết, phần còn lại là dành cho độc giả. Bạn tung câu chuyện của mình ra và muốn nghe phản hồi từ phía người đọc. Lúc đó, cái giọng chán nhất chính là giọng lải nhải của bạn. Tuy nhiên, giới xuất bản lại mong muốn điều ngược lại. Ngay khi nhà văn muốn tàng hình, họ lại muốn anh ta xuất hiện hoành tráng nhất. Thế nên, tất cả nhà văn đều khiếp đảm khi nghe mình lải nhải trả lời những câu hỏi như nhau hết lần này đến lượt khác.
Biếm họa về sự phản đối của người Hồi giáo với cuốn Những vần thơ của Quỷ Satăng.
Đối với tôi, thái độ chống diễn giải càng được củng cố chắc chắn hơn sau khi có những ồn ào kỳ lạ với cuốn Những vần thơ của Quỷ Satăng (The Satanic Verses). Thật sự, rất hiếm có một tác giả nào bị yêu cầu phải liên tục giải thích về cuốn sách của mình một cách chi tiết, tỉ mỉ và thường là trong tình thế luôn đối mặt với sự thù địch đến như vậy. Thái độ thù địch đối với cuốn sách lại dựa trên sự không thèm đọc hoặc đọc rất qua quýt. Bạn không cần phải đọc Những vần thơ của Quỷ Satăng để đưa ra một nhận định về cuốn sách. Bởi sự tràn ngập những lời diễn giải đầy giận dữ đã báo cho bạn biết rằng không nên nhọc lòng nhúng chân vào mớ rắc rối đó. "Tôi không cần phải bước vào đống bùn lầy đó để giẫm phải những thứ rác rưởi", một nhà-phê-bình-không-thèm-đọc đã nhận xét như vậy về cuốn sách. Bạn cũng chẳng cần mất thời gian để tìm hiểu về nhà văn, bởi cũng những nhà phê bình trên đã ông ổng nói cho bạn biết, hắn ta khó chịu đến mức nào.
Để chống lại cuộc tấn công ồ ạt này, tôi nhất thiết phải nói, nói đi rồi nói lại, những điều tôi nghĩ về chính cuốn sách của mình, giải thích tại sao tôi viết nó và tại sao lại viết như vậy. Tôi luôn bị rơi vào tình thế buộc phải làm những thứ mà tôi cho là nhà văn không bao giờ nên làm: áp đặt cách đọc cuốn sách của chính mình lên độc giả, kể lại ý nghĩa của nó, giảng giải từng đoạn văn gây tranh cãi, cố gắng thuyết phục rằng nó nghiêm túc, hợp lý, tử tế và đáng đọc trước những lời buộc tội rằng nó thiếu nghiêm túc, không hợp đạo lý và không đáng đọc. Tôi quan niệm, độc giả chính là người cuối cùng hoàn thiện cuốn sách. Và điều thú vị của văn chương, là nó tạo ra từng cách hiểu khác nhau với từng người đọc. Tôi nghĩ nhà văn không nên hướng dẫn độc giả đọc cuốn sách của mình thế nào. Thế mà tôi, triền miên từ cuộc phỏng vấn này đến cuộc phỏng vấn khác, phải cố cứu tác phẩm của mình khỏi bị xuyên tạc bằng cách nói đi nói lại rằng: "Đoạn văn này có nghĩa là…" hoặc "Hãy đọc phần đó theo cách này…".
Thậm chí đến nay, 22 năm sau khi tôi viết Những vần thơ của Quỷ Satăng, tôi vẫn bị hỏi về nguyên cớ của rất nhiều câu văn. Câu trả lời trung thực là "tôi không biết" thì không bao giờ được chấp nhận. Nên tôi phải nghĩa ra hàng tá cách trả lời để làm vừa lòng một số người hỏi. Tôi rơi vào cái bẫy phải giải thích cảm hứng, nhân vật, câu văn… của mình. Tại sao những nhà văn lắm mồm không thể im lặng đi để các cuốn sách tự lên tiếng?
Hà Linh dịch / evan.com.vn
(Nguồn: Tele)

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2009

Mc Mafia Toàn cầu hóa tội ác

Cuốn sách có tựa chơi chữ- kết hợp Mc trong từ McDonald’s với Mafia- tác giả của nó, nhà báo, sử gia Misha Glenny đã đưa ra một bức tranh mặt tối của toàn cầu hóa, đó là bức tranh của tội ác, đường dây đa quốc gia của những thế lực ngầm điều khiển nền kinh tế toàn cầu. Bối cảnh xảy ra sau từ thập niên 80 của thế kỷ 20 và mạnh mẽ hơn sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Mc Mafia là một sợi dây cháy nhanh, một cuộc bùng nổ của thứ công nghệ sản xuất con người và hàng hóa phục vụ mục tiêu tội ác mà mức độ phổ biến và lan nhanh hơn cả… fast food (Trung Quốc, các nước Nam Mỹ, Nga, Phi, Ấn) để cung ứng cho những quốc gia khác (EU, Nhật, Canada, Israel hay Trung Đông nói chung …) có sức tiêu thụ mạnh mẽ thứ hàng hóa ấy với mục đích tạo công lực vận hành nền kinh tế hoặc đơn giản là thỏa mãn những trào lưu, nhu cầu tiêu dùng mới đầy tàn bạo. Ít ai ngờ, công nghiệp tội ác, nền kinh tế ngầm ấy đã chi hối 20% tổng GDP toàn cầu…
Cuốn sách là một trường thiên phóng sự đưa người đọc vào một không khí điều tra, thâm nhập và làm tái hiện hàng ngàn hồ sơ vụ án, khám phá thế giới bất ngờ mà ở đó chính khách, trùm tài phiệt và mafia ngồi chung bàn, dấn thân vào vô số những hiện trường tội ác, tiêu thụ tình dục, ma túy, những cuộc thanh toán phía sau các hợp đồng tài chính, địa ốc đầy mùi máu… với một sức mạnh truyền thông đặc biệt, một ngôn ngữ đặc tả đầy uy quyền. Tác giả là nhà báo, sử gia lỗi lạc của Anh, người từng chứng kiến và tường thuật sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu và những cuộc chiến vùng Nam Tư cũ, người được các chính phủ Mỹ, Châu Âu thường xuyên mời tham vấn về các chính sách đối nội và đối ngoại.
(Trần Ngọc Đăng dịch, 442 trang, giá 90.000 đồng, Thời đại & NXB VHTT, 2009)

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

Hội An


Những đôi mắt
Không quốc tịch
Đã ngủ quên trên các cửa nhà nhiều năm khóa trái








































Bangkok

mùi tinh dầu massage một đuôi phố nheo nhắt hàng mã
tiễn một khúc sông trôi qua hoàng cung
những người đến rạp mình trước phật
mắt nguyện cầu chưa chứng thực passport.

Nhận thức để thay đổi

Giới nghiên cứu của công giáo- CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình- đã có hơn 300 phút ngồi lại với Viện Triết học trong một hội thảo về vấn đề “Đặc điểm tư duy và lối sống của người Việt trước yêu cầu hội nhập quốc tế” (20, 21/3/2009 tại 43 Nguyễn Thông quận 3, TP.HCM)
Vấn đề trao đổi buộc các diễn giả phải đụng chạm trực tiếp và thẳng thắn đến các câu hỏi dân chủ, cơ chế hành chính, triết lý giáo dục hiện nay …
Người Việt xấu xí
Hầu hết các tham luận đề cập đến những vấn đề bất cập trong tính cách của người Việt làm cản trở sự phát triển trong bối cảnh mới. Theo Th.S Lê Minh Tiến chỉ ra: trong xã hội nông nghiệp, phương thức sản xuất khai thác tự nhiên làm cho quan niệm thời gian linh hoạt, thiếu chặt chẽ theo kế hoạch, sự “đồng phục” về tư tưởng do ảnh hưởng huyết thống, làng xã, tâm lý bầy đàn, tình lý lẫn lộn, trách nhiệm tập thể lấn át trách nhiệm cá nhân, tư duy ăn xổi, thích làm theo hơn sáng tạo, trọng hình thức… những điều này không phù hợp với xu thế phát triển trong xã hội công nghiệp.
Câu chuyện người Việt xấu xí luôn được khắc họa chi tiết dưới nhiều góc độ. Linh mục Thiện Cẩm, một cây bút bình luận sắc sảo trên các diễn đàn báo chí công giáo thời gian gần đây đã phân tích: người Việt suy nghĩ bằng bụng, hay nói cách khác, lười suy nghĩ vì lịch sử luôn đặt họ ở trong thế cạnh tranh sinh tồn; trong hiện tại, ông nhận thấy người Việt đang rơi vào guồng máy của sự đổi thay quá nhanh đến nỗi không kịp suy tư gì… Và lý do quan trọng hơn đó là người Việt quá khép kín về ý thức hệ, mà ở đây ông trải nghiệm rõ nhất là thế đối đầu giữa tư tưởng cộng sản với công giáo. Theo ông, cần sự đối thoại trung thực, tôn trọng lẫn nhau. Nếu có những cuộc đối thoại thẳng thắn và dân chủ (như hội thảo này) thì sẽ tránh những xích mích không đáng có trong quá khứ…
Trong khi đó, GS Lê Ngọc Trà thì nhỏ nhẹ và thâm thúy: người Việt hiện nay thiếu ý thức pháp luật, khả năng hợp tác yếu, giới trí thức rải rác, thiếu những người hy sinh tới cùng cho sự thật và chân lý. Xa hơn, người Việt có phẩm chất văn hóa thích ứng để tồn tại hơn là văn hóa phát triển; vì khát vọng truy cầu tri thức yếu cộng với ý thức tôn giáo không có nên tâm thế xã hội đang rơi vào thực dụng hóa.Ngoài ra, tâm thức môi trường, tính tự phê dân tộc chưa cao. Ông cũng bày tỏ sự không mặn mà với khẩu hiệu bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc: “Vì đó là thông điệp chính trị hơn văn hóa. Chăm lo sức sống cho một dân tộc là cách tốt nhất để bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc đó”.
Chìa khóa dân chủ và giáo dục
Dân chủ vẫn là vấn đề được nói tới nhiều nhất trong những bài nói chuyện, nó như chìa khóa giải pháp cho vấn đề vướng mắc trong đổi mới tư duy và lối sống. Trong sự băn khoăn sâu xa về việc tìm chất liệu xây dựng nhân vị mới đủ điều kiện thích ứng với quá trình hội nhập, GS-LM Nguyễn Thái Hợp nhấn mạnh vấn đề triết lý giáo dục. Theo ông, giáo dục hiện nay chưa xây dựng được những nhân vị đáp ứng cho thay đổi và phát triển. Ông thẳng thắn chỉ ra: Dự thảo chiến lược giáo dục giai đoạn 2009-2020 tập trung sứ mạng đào tạo con người mới với ba thuộc tính: hiện đại, khoa học và dân tộc, nhưng theo ông Hợp thì cần phải bổ sung thêm yếu tố nhân bản và đạo đức. Và quan trọng nhất, là cởi bỏ tính chức năng, triết lý “vừa lạc hậu vừa bảo thủ vừa bao cấp” của chiến lược giáo dục theo “một hệ thống quan điểm chỉ đạo của Đảng và nhà nước cần được vận dụng một cách sáng tạo phù hợp thực tiễn giai đoạn mới” để giáo dục chỉ phục vụ mục tiêu xây dựng con người, vì con người, không phụng sự một ý thức hệ nào.
Cùng với linh mục Thiện Cẩm, ông Hợp cũng đặt câu hỏi: Tại sao dự luật cho phép phát triển hệ thống giáo dục tư nhân mà quên vai trò của tổ chức tôn giáo? Tại sao chúng ta không xấu hổ khi phải đóng tiền cao để con em đi học trường “Quốc Tế tây balô” (nhà nước không giám sát được chất lượng) trong khi người Việt vẫn còn những kênh đào tạo từ tổ chức tôn giáo có nền tảng hơn lại không được hoạt động?
“Nền giáo dục không cho con người có suy nghĩ độc lập để tự bảo vệ mình, lợi ích của mình”- khởi từ vấn đề giáo dục, luật sư Lê Công Định nhìn thấy nguyên do ở một xã hội dân chủ, dân sự đang có vấn đề. Là người từng bảo vệ nhiều vụ kiện liên quan đến dân chủ thời gian gần đây, ông bàn về tâm lý e ngại của người dân khi tiếp xúc với công quyền. Ông đúc kết: phía người dân, họ lo ngại công quyền vì sợ tệ nhũng nhiễu hạch sách, sợ tốn kém vì tham nhũng, sợ tốn thời gian vì bộ máy công quyền bất chấp quy định pháp luật và quan trọng là sống lâu trong sự lo sợ ấy, họ mất cả ý thức về quyền công dân. Trong khi đó, nhìn về phía bộ máy công quyền, ông chỉ ra: hệ thống chính trị làm cho lớp làm công quyền nghĩ rằng họ có quyền lực vô biên; phương pháp bạo lực làm cho các quan chức hành xử dựa trên bạo lực hơn là hành xử trên tinh thần pháp quyền; sự tuyên truyền không đúng sự thật hàng ngày đang áp đặt lên đời sống tinh thần của người dân; tệ mua quan bán chức diễn ra nhan nhãn… đến cấp tòa án cũng có thể xử kiện và giải thích luật sao cũng được, giới luật sư thì biết luật, biết quyền của dân cũng sợ hãi, không dám bảo vệ. Và ông đề cập vài trò của nhà nước pháp quyền: “Đảng muốn làm gì về dân chủ cũng phải thông qua nhà nước pháp quyền. Hiện nay, nhà nước pháp quyền độc lập như thế nào đối với Đảng, tôi không thể biết được!”.
Trí thức?
Gíao sư Chu Hảo đang đi dự một hội nghị xuất bản hai ngày ở Cần Thơ có ghé qua hội thảo vài giờ và có lẽ ông cũng cảm nhận sức nóng, sự thẳng thắn của hội thảo này. Được bất ngờ mời nói chuyện về vai trò trí thức- với tư cách là cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội, đảm bảo nền tảng văn hóa xã hội- ông Chu Hảo chỉ ra cái thiếu của trí thức Việt Nam: hời hợt trong tư duy, chắp vá và không tôn trọng nghiên cứu, thực dụng và thích hư danh, dễ chấp nhận và sống chung với sự giả dối, khó hợp tác trong sáng tạo. Và ông đề xuất một môi trường cho trí thức: không cần có nhiều nghị quyết mà phải có một nền giáo dục quốc dân lành mạnh; một nền dân chủ lành mạnh, khuyến khích sáng tạo, có con người đủ nhân cách văn hóa, tri thức để giải quyết những vấn đề đặt ra; làm sao để dân chủ không còn trên nghị quyết và khẩu hiệu mà phải đi vào cộng đồng.
“Tự do là khát vọng bẩm sinh còn dân chủ là phải học, phải nhận thức mới có được”- Ông Hảo nói tiếp- “việc chúng ta có thể ngồi đây và nói những điều này là một bước tiến dài về môi trường cho trí thức, năm mười năm trước ngồi nói những điều này thì khó”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến hoang mang liệu những tham luận, phản biện thẳng thắn này sẽ đi về đâu?. Không có câu trả lời. Hoang mang, không biết những ý kiến thằng thắn của mình sẽ đi về đâu có lẽ là một “đặc điểm tư duy và lối sống” của giới học thuật tại Việt Nam hiện đại sau khi những hội thảo tâm huyết được kéo màn.
Nguyễn Vĩnh Nguyên

Theo tôi, đổi mới phải là đổi mới về tâm lý. Đạo đức nhân bản cần nâng lên. Nên tăng cường những tập thể tự nguyện và hạn chế những tập thể bắt buộc.
(Luật sư Nguyễn Ngọc Bích)
Sự kềm hãm của không khí dân chủ xã hội, cá nhân không có vị trí thì làm sao có sự phiêu lưu, sáng tạo được!
(GS Lê Ngọc Trà)
Chúng ta đang hội nhập với sự rối ren, sự đề kháng văn hóa rất yếu.
(ThS Nguyễn Thị Oanh)