Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

Hội An


Những đôi mắt
Không quốc tịch
Đã ngủ quên trên các cửa nhà nhiều năm khóa trái








































Bangkok

mùi tinh dầu massage một đuôi phố nheo nhắt hàng mã
tiễn một khúc sông trôi qua hoàng cung
những người đến rạp mình trước phật
mắt nguyện cầu chưa chứng thực passport.

Nhận thức để thay đổi

Giới nghiên cứu của công giáo- CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình- đã có hơn 300 phút ngồi lại với Viện Triết học trong một hội thảo về vấn đề “Đặc điểm tư duy và lối sống của người Việt trước yêu cầu hội nhập quốc tế” (20, 21/3/2009 tại 43 Nguyễn Thông quận 3, TP.HCM)
Vấn đề trao đổi buộc các diễn giả phải đụng chạm trực tiếp và thẳng thắn đến các câu hỏi dân chủ, cơ chế hành chính, triết lý giáo dục hiện nay …
Người Việt xấu xí
Hầu hết các tham luận đề cập đến những vấn đề bất cập trong tính cách của người Việt làm cản trở sự phát triển trong bối cảnh mới. Theo Th.S Lê Minh Tiến chỉ ra: trong xã hội nông nghiệp, phương thức sản xuất khai thác tự nhiên làm cho quan niệm thời gian linh hoạt, thiếu chặt chẽ theo kế hoạch, sự “đồng phục” về tư tưởng do ảnh hưởng huyết thống, làng xã, tâm lý bầy đàn, tình lý lẫn lộn, trách nhiệm tập thể lấn át trách nhiệm cá nhân, tư duy ăn xổi, thích làm theo hơn sáng tạo, trọng hình thức… những điều này không phù hợp với xu thế phát triển trong xã hội công nghiệp.
Câu chuyện người Việt xấu xí luôn được khắc họa chi tiết dưới nhiều góc độ. Linh mục Thiện Cẩm, một cây bút bình luận sắc sảo trên các diễn đàn báo chí công giáo thời gian gần đây đã phân tích: người Việt suy nghĩ bằng bụng, hay nói cách khác, lười suy nghĩ vì lịch sử luôn đặt họ ở trong thế cạnh tranh sinh tồn; trong hiện tại, ông nhận thấy người Việt đang rơi vào guồng máy của sự đổi thay quá nhanh đến nỗi không kịp suy tư gì… Và lý do quan trọng hơn đó là người Việt quá khép kín về ý thức hệ, mà ở đây ông trải nghiệm rõ nhất là thế đối đầu giữa tư tưởng cộng sản với công giáo. Theo ông, cần sự đối thoại trung thực, tôn trọng lẫn nhau. Nếu có những cuộc đối thoại thẳng thắn và dân chủ (như hội thảo này) thì sẽ tránh những xích mích không đáng có trong quá khứ…
Trong khi đó, GS Lê Ngọc Trà thì nhỏ nhẹ và thâm thúy: người Việt hiện nay thiếu ý thức pháp luật, khả năng hợp tác yếu, giới trí thức rải rác, thiếu những người hy sinh tới cùng cho sự thật và chân lý. Xa hơn, người Việt có phẩm chất văn hóa thích ứng để tồn tại hơn là văn hóa phát triển; vì khát vọng truy cầu tri thức yếu cộng với ý thức tôn giáo không có nên tâm thế xã hội đang rơi vào thực dụng hóa.Ngoài ra, tâm thức môi trường, tính tự phê dân tộc chưa cao. Ông cũng bày tỏ sự không mặn mà với khẩu hiệu bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc: “Vì đó là thông điệp chính trị hơn văn hóa. Chăm lo sức sống cho một dân tộc là cách tốt nhất để bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc đó”.
Chìa khóa dân chủ và giáo dục
Dân chủ vẫn là vấn đề được nói tới nhiều nhất trong những bài nói chuyện, nó như chìa khóa giải pháp cho vấn đề vướng mắc trong đổi mới tư duy và lối sống. Trong sự băn khoăn sâu xa về việc tìm chất liệu xây dựng nhân vị mới đủ điều kiện thích ứng với quá trình hội nhập, GS-LM Nguyễn Thái Hợp nhấn mạnh vấn đề triết lý giáo dục. Theo ông, giáo dục hiện nay chưa xây dựng được những nhân vị đáp ứng cho thay đổi và phát triển. Ông thẳng thắn chỉ ra: Dự thảo chiến lược giáo dục giai đoạn 2009-2020 tập trung sứ mạng đào tạo con người mới với ba thuộc tính: hiện đại, khoa học và dân tộc, nhưng theo ông Hợp thì cần phải bổ sung thêm yếu tố nhân bản và đạo đức. Và quan trọng nhất, là cởi bỏ tính chức năng, triết lý “vừa lạc hậu vừa bảo thủ vừa bao cấp” của chiến lược giáo dục theo “một hệ thống quan điểm chỉ đạo của Đảng và nhà nước cần được vận dụng một cách sáng tạo phù hợp thực tiễn giai đoạn mới” để giáo dục chỉ phục vụ mục tiêu xây dựng con người, vì con người, không phụng sự một ý thức hệ nào.
Cùng với linh mục Thiện Cẩm, ông Hợp cũng đặt câu hỏi: Tại sao dự luật cho phép phát triển hệ thống giáo dục tư nhân mà quên vai trò của tổ chức tôn giáo? Tại sao chúng ta không xấu hổ khi phải đóng tiền cao để con em đi học trường “Quốc Tế tây balô” (nhà nước không giám sát được chất lượng) trong khi người Việt vẫn còn những kênh đào tạo từ tổ chức tôn giáo có nền tảng hơn lại không được hoạt động?
“Nền giáo dục không cho con người có suy nghĩ độc lập để tự bảo vệ mình, lợi ích của mình”- khởi từ vấn đề giáo dục, luật sư Lê Công Định nhìn thấy nguyên do ở một xã hội dân chủ, dân sự đang có vấn đề. Là người từng bảo vệ nhiều vụ kiện liên quan đến dân chủ thời gian gần đây, ông bàn về tâm lý e ngại của người dân khi tiếp xúc với công quyền. Ông đúc kết: phía người dân, họ lo ngại công quyền vì sợ tệ nhũng nhiễu hạch sách, sợ tốn kém vì tham nhũng, sợ tốn thời gian vì bộ máy công quyền bất chấp quy định pháp luật và quan trọng là sống lâu trong sự lo sợ ấy, họ mất cả ý thức về quyền công dân. Trong khi đó, nhìn về phía bộ máy công quyền, ông chỉ ra: hệ thống chính trị làm cho lớp làm công quyền nghĩ rằng họ có quyền lực vô biên; phương pháp bạo lực làm cho các quan chức hành xử dựa trên bạo lực hơn là hành xử trên tinh thần pháp quyền; sự tuyên truyền không đúng sự thật hàng ngày đang áp đặt lên đời sống tinh thần của người dân; tệ mua quan bán chức diễn ra nhan nhãn… đến cấp tòa án cũng có thể xử kiện và giải thích luật sao cũng được, giới luật sư thì biết luật, biết quyền của dân cũng sợ hãi, không dám bảo vệ. Và ông đề cập vài trò của nhà nước pháp quyền: “Đảng muốn làm gì về dân chủ cũng phải thông qua nhà nước pháp quyền. Hiện nay, nhà nước pháp quyền độc lập như thế nào đối với Đảng, tôi không thể biết được!”.
Trí thức?
Gíao sư Chu Hảo đang đi dự một hội nghị xuất bản hai ngày ở Cần Thơ có ghé qua hội thảo vài giờ và có lẽ ông cũng cảm nhận sức nóng, sự thẳng thắn của hội thảo này. Được bất ngờ mời nói chuyện về vai trò trí thức- với tư cách là cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội, đảm bảo nền tảng văn hóa xã hội- ông Chu Hảo chỉ ra cái thiếu của trí thức Việt Nam: hời hợt trong tư duy, chắp vá và không tôn trọng nghiên cứu, thực dụng và thích hư danh, dễ chấp nhận và sống chung với sự giả dối, khó hợp tác trong sáng tạo. Và ông đề xuất một môi trường cho trí thức: không cần có nhiều nghị quyết mà phải có một nền giáo dục quốc dân lành mạnh; một nền dân chủ lành mạnh, khuyến khích sáng tạo, có con người đủ nhân cách văn hóa, tri thức để giải quyết những vấn đề đặt ra; làm sao để dân chủ không còn trên nghị quyết và khẩu hiệu mà phải đi vào cộng đồng.
“Tự do là khát vọng bẩm sinh còn dân chủ là phải học, phải nhận thức mới có được”- Ông Hảo nói tiếp- “việc chúng ta có thể ngồi đây và nói những điều này là một bước tiến dài về môi trường cho trí thức, năm mười năm trước ngồi nói những điều này thì khó”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến hoang mang liệu những tham luận, phản biện thẳng thắn này sẽ đi về đâu?. Không có câu trả lời. Hoang mang, không biết những ý kiến thằng thắn của mình sẽ đi về đâu có lẽ là một “đặc điểm tư duy và lối sống” của giới học thuật tại Việt Nam hiện đại sau khi những hội thảo tâm huyết được kéo màn.
Nguyễn Vĩnh Nguyên

Theo tôi, đổi mới phải là đổi mới về tâm lý. Đạo đức nhân bản cần nâng lên. Nên tăng cường những tập thể tự nguyện và hạn chế những tập thể bắt buộc.
(Luật sư Nguyễn Ngọc Bích)
Sự kềm hãm của không khí dân chủ xã hội, cá nhân không có vị trí thì làm sao có sự phiêu lưu, sáng tạo được!
(GS Lê Ngọc Trà)
Chúng ta đang hội nhập với sự rối ren, sự đề kháng văn hóa rất yếu.
(ThS Nguyễn Thị Oanh)