Thứ Ba, 20 tháng 10, 2009

JMG Le Clézio: Không thể ngăn được sự lai tạp




Nét mặt cứng cỏi, hấp dẫn kiểu nam tính, ông giống một bức tượng trên đảo Phục Sinh mặc áo vest xanh da trời, đi giày thể thao trắng. Với bản tính điềm tĩnh kiểu quý tộc thế hệ mới, nhà văn nói về cuốn tiểu thuyết mới, những chuyến đi xa, số phận của châu Âu nói chung và của tiểu thuyết nói riêng.
- Ông vừa trở về từ Hàn Quốc. Người ta đã biết đến sở thích của ông đối với Tân thế giới hay Ấn Độ Dương, chứ chưa biết nhiều đến sở thích đối với Cực Đông…
- Tôi đến Hàn Quốc thường xuyên đã được bảy năm nay. Lần đầu tiên là để dự một hội thảo văn chương với nhà văn người Nhật Kenzaburo Oe. Tôi rất gắn bó với đất nước này. Năm ngoái, tôi còn dạy một kỳ về thơ và họa tại Đại học Seoul, giáo cụ là một chiếc đĩa CD về bảo tàng Louvre. Đó là một trường nữ sinh và các sinh viên của tôi nói tiếng Pháp thành thạo, họ lại rất quan tâm đến vị trí của người phụ nữ trong hội họa phương Tây: họ thuyết trình về bức La Joconde, về bức chân dung Marie-Antoinette qua nét vẽ của Phu nhân Vigée-Lebrun. Việc dạy học trở nên thật thú vị khi chính người thầy lại học được điều gì đó từ các học trò của mình.
- Vốn được mệnh danh là thi sĩ của sa mạc, ông không thấy là Hàn Quốc quá phương Tây, quá đông đúc, quá Cơ Đốc đối với mình sao?
- Thế giới đang phương Tây hóa mà. Nhưng như Sok-Yong Hwang, tác giả cuốn Khách mời, đã nói: Ai nói với các vị Chúa Jesus không phải là người Hàn Quốc nào? Seoul cũng không náo nhiệt hơn những thành phố mười triệu dân khác trên thế giới này.
- Giữa Hàn Quốc, New Mexico hay Pháp, từ nay ông sẽ sống ở đâu? Nghe nói ông có ý định chuyển về sống ở Bretagne?
- Tôi không có kế hoạch nào cho trung hạn, còn dài hạn thì chúng ta chết cả rồi. Tôi vẫn đang sống tại Mỹ. New Mexico là một nơi thuận lợi cho việc sáng tác, nó vẫn là nơi dừng chân thường xuyên của tôi. Tôi tới đó để chạy trốn sự hoảng loạn của thế giới hiện đại. Trước nhà tôi có một mảnh đất hoang, và không xa đó là Rio Grande, một vùng hoang vu, ngay ở đất nước đô thị hóa và gây ô nhiễm nhất hành tinh. Còn Bretagne ư? Quả là tôi đã nghĩ đến chuyện dọn về đó. Ở đó tôi có một ngôi nhà, những mối quan hệ họ hàng và tôi cảm thấy gần gũi với lối sống của Bretagne.
- Ông thấy nước Pháp của năm 2008 thế nào, theo những gì cảm nhận được qua chuyến lưu lại Pháp vừa rồi?
- Rất phương Tây! Gạt chuyện đùa cợt sang một bên, tôi hơi ngạc nhiên bởi chủ nghĩa bi quan xung quanh. Tại Hàn Quốc, đất nước có mức sống kém hơn nhiều, người dân cũng không bi quan đến thế, họ biết cuộc sống không dễ dàng gì và họ đã quen với phải vật lộn tranh đấu rồi.
- Ông từng tuyên bố mình đã "qua cái tuổi trả thù", nhưng "Khúc lặp của cơn đói" (Ritournelle de la faim), tiểu thuyết mới đây của ông lại hết sức dữ dội, không hề nguôi ngoai, lên án mạnh mẽ tội lỗi của xã hội Pháp đối với người Do Thái và các dân tộc thuộc địa.
- Tôi không phải tuýp người hay ngọt nhạt. Như nhà sinh vật học Jean Rostand đã nói: "chân lý tất yếu có vị báo thù". Ngày còn nhỏ, tôi đã sống qua những đòn trả đũa sau cùng của cơn địa chấn mang tên Đại chiến II. Tôi nhớ về cái câu mang tính phân biệt chủng tộc hay bài Do Thái từng nghe trong họ hàng tôi gần cũng như xa: "chiến tranh đã diễn ra, mà họ không hề hay biết gì". Khi còn là trẻ con, người ta không hiểu điều đó nghĩa là thế nào, nhưng người ta vẫn bị sốc, theo bản năng.
- Giữa bức tranh ấy, nhân vật Ethel, lấy cảm hứng từ mẹ ông, là một "người kháng chiến", ngay cả khi cô ấy không mang vũ khí.
- Đúng thế, những kỷ niệm duy nhất tôi có được về kháng chiến, đó là quân du kích vùng Nice sâu trong nội địa nơi chúng tôi sinh sống. Tôi còn nhớ hồi mới bốn, năm tuổi gì đó đã chơi cùng một anh con trai mười sáu hay mười bảy tuổi. Tôi còn nhớ rõ tiếng bom đã nổ trong tay anh ấy. Chúng tôi chỉ tìm lại được bộ tóc màu đỏ của anh. Anh ấy tên là Mario. Và còn có cả hình thức kháng chiến thụ động và bí mật hơn khi mẹ tôi chống lại thái độ hèn nhát, thời trước, trong và sau chiến tranh. Thậm chí tôi đã đưa vào cuốn tiểu thuyết này những cảnh chính mắt tôi từng chứng kiến, những điều nghe kể lại từ bà và mẹ, trong thế giới không có đàn ông đó, những cái gợi nhớ đến Quỷ thân xác của Radiguet. Tôi đã khám phá thế giới chính qua đôi mắt của những người phụ nữ này.
- Theo tình tiết truyện, mẹ ông đã dự vào việc sáng tác nhạc khúc Boléro của Ravel, và trong căn phòng đó còn có cả nhà nhân chủng học vĩ đại Claude Lévi-Strauss?
- Đúng thế, chính ông ấy đã cho tôi biết chuyện, vào cái thời khi tôi năng gặp ông ấy hơn bây giờ. Cách đây hai năm, ông ấy vẫn còn gửi cho tôi một lời nhắn rất dễ mến để chỉnh sửa một lỗi sai trong cuốn Raga của tôi...
- Theo ông, mối quan hệ giữa phương Tây và Thế giới thứ ba nằm ở đâu?
- Tôi không tin vào một cuộc đối đầu. Tôi ghét Huntington và thuyết xung đột giữa các nền văn minh của ông ta. Thậm chí tôi đã viết một bài đả kích có tên Chống Samuel Huntington, mà tôi chưa công bố.
- Tại sao?
- Bởi vì đó là một bài đả kích. Tôi không cho rằng có tồn tại "chúng ta" và "những kẻ khác", thế giới phương Tây một bên và bên kia là một dạng thế giới dã man, luôn rình đợi những điểm yếu nhỏ nhất của chúng ta. Thực ra, mọi nền văn hóa toàn bộ đều lai tạp, pha trộn, kể cả nền văn hóa phương Tây, vốn hình thành nên từ nhiều yếu tố đến từ châu Phi, châu Á. Ta không thể ngăn sự lai tạp này được. Và tính hiện đại cũng thuộc về Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không khác gì thuộc về Âu hay Mỹ.
- Ông vẫn rất gắn bó với đảo Maurice. Liệu cuốn sách tiếp theo ông có dành tặng cho hòn đảo này?
- Xã hội Maurice nơi tôi sinh ra không có bất kỳ giá trị nào, đó là một xã hội bóc lột, phân biệt chủng tộc và phân tầng, hơi giống với xã hội được miêu tả trong các tác phẩm của Faulkner, nhưng nó cũng sản sinh ra những cá nhân xuất chúng, tuyệt vời. Trong trường hợp này cũng vậy, cuốn sách này sẽ là một dạng thanh toán nợ nần.
- Ông đã nhiều lần làm giám khảo của các giải thưởng văn học, nhất là giải Renaudot. Trong số các tác giả cùng thời, ông thích những ai?
- Tôi rất thích Marie Darrieussecq, tôi cảm thấy giữa hai chúng tôi có nhiều sự tương đồng. Tôi đánh giá cao cách bà ấy viết về thế giới, như thể đó là một ngoại diên của chính bà, được nhận thức bằng những tế bào thần kinh chứ không phải bằng trí tuệ. Tôi cũng thích nền văn học của những nước nói tiếng Pháp, ngoài nước Pháp ra. Alain Mabanckou là một người xuất chúng, Wilfried N’Sondé, nhà văn người Angola, tác giả của Trái tim của những đứa trẻ báo (Le cœur des enfants léopards), cũng vậy. Ở những con người đó có cùng lúc một bản thể mạnh mẽ và trải nghiệm của những kẻ bị gạt ra ngoài lề, vì đó chính là hoàn cảnh họ gặp phải tại châu Âu. Điều đáng chú ý ở đây, là những cây viết này đều đang hoạt động xã hội tích cực: N’Sondé là giáo viên tư vấn những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Berlin.
- Năm vừa qua, ông đã ký vào bản tuyên ngôn cho một nền văn học-thế giới" [
1]?
- Đúng, ký hai lần thì đúng hơn! Cơ may của tiếng Pháp, đó là những dân tộc đã bị Pháp đô hộ trong hàng thế kỷ lại không mang hiềm thù gì với đất nước này. Tôi cho rằng thái độ này xuất phát từ vẻ đẹp của văn học Pháp, từ những cuốn sách hay mà nước Pháp đã sản sinh, thông qua đó con người có thể vượt qua nỗi đau và chấp nhận tiếng Pháp, hơn là tiếng Anh, như phương tiện giao tiếp. Chính nhờ nền "văn học-thế giới" này mà tiếng Pháp vẫn còn có thể chuyển tải thông điệp của mình.
-
Ông còn dành thiện cảm của mình cho ai trong số các tác giả ra sách mùa vừa rồi?
- Tôi rất thích cuốn Chợ tình (Le marché des amants) của Christine Angot. Tôi cảm động bởi cuộc gặp gỡ thương tâm, đau xót giữa một người phụ nữ xuất thân dòng dõi quý tộc với một anh chàng vô sản, bởi sự đối chiếu giữa hai thế giới bất khả quy này.
- Ngày nay tiểu thuyết không phải nạn nhân của thành công của nó sao: khi bất kỳ cuốn sách nào cũng được gọi là "tiểu thuyết"?
- Đó là câu hỏi đã được Raymond Queneau đặt ra: văn học sẽ trở thành cái gì khi mọi người ai cũng viết văn? Giống như toàn bộ sự biểu lộ của nhân loại, tiểu thuyết chỉ có một thời. Ở xuất phát điểm, nó không phải là là cái gì đó được xác định rõ mà chỉ là một câu chuyện được viết ra bằng ngôn ngữ đời thường. Cái tôi đánh giá cao ở tiểu thuyết, đó là nó cho phép nói về bản thân mà như không nói, cho phép phát biểu những ý tưởng triết lý mà không cần phải là triết gia. Đó là một dạng túi du lịch, rất tiện dụng. Thành công của thể loại tiểu thuyết trong vòng một trăm năm trở lại đây là từ đó mà ra. Đó là một dạng rút gọn để nhận biết tình trạng của thế giới, hoặc có lẽ là cả tình trạng của bản thân.
- Nhưng ngày nay, mấy ai còn đọc "Le Grand Cyre" hay "L’Astrée", những bản sách được đông đảo công chúng biết đến trong thế kỷ XVII? Đến thế kỷ XIX, tiểu thuyết đã đẻ ra thể loại tâm lý, hiện tại nó lại thoát khỏi thể loại này.
- Tôi không chắc về độ bền của văn học theo cách nói chung. Đó là một vấn đề gần như sinh học, vấn đề của nhịp điệu tự nhiên mà xã hội loài người phải tuân theo - có lẽ đó chính là sinh thái học chăng. Người ta không thể ngăn cản sự pha trộn giữa người với người, giữa những thể loại, giữa những nền văn hóa. Nếu số phận của tiểu thuyết là phải biến mất, thì ngay cả Viện Hàn lâm Pháp cũng không thể ngăn cản sự tiêu vong này.


(Nguồn: l’Express) / theo bảo linh/ evan.com.vn

Không có nhận xét nào: